Ngôi sao sáng trong thương mại và đầu tư của khu vực
Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỉ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục với khoảng 800 tỉ USD, thặng dư thương mại ước tính đạt khoảng 2 tỉ USD, thu ngân sách đạt 2 triệu tỉ đồng.
Số vốn đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 40 tỉ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỉ USD, là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với 17 FTA.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, chuyên gia tài chính Nguyễn Đoàn Tùng đánh giá, Việt Nam đã bước qua năm 2024 với rất nhiều thành quả ấn tượng, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09% - vượt xa dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu chính thức là 6,5%. Hơn thế nữa, những kết quả trong công tác hội nhập từ quan hệ quốc tế đến thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu trong năm 2024 đã đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong thương mại của khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế, có quy mô GDP lớn nhất thế giới, top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; top 15 nền kinh tế hàng đầu về thu hút FDI, top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Tốc độ tăng trưởng từng quý của năm 2023-2024.
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam công bố báo cáo kết quả khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý IV/2024 với sự tăng trưởng đột phá về chỉ số BCI của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam quý IV/2024. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là minh chứng cho khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của Việt Nam trước những biến động toàn cầu và qua đó, khẳng định vị thế ngày càng nổi bật của nước ta như một trung tâm thương mại và đầu tư của khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Hơn thế nữa, 75% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng; 30% các doanh nghiệp khác dự định tăng cường các hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế thương mại...Các dữ liệu này cho thấy Việt Nam được coi như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực cũng như sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.
"Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng đang mở rộng, chính sách cởi mở và minh bạch…Là các các yếu tố chủ đạo để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI muốn mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định.
Bên cạnh đó, ông Phong chia sẻ thêm, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường, nước ta vẫn không ngừng hội nhập sâu rộng, nhất là việc tham gia và triển khai các cam kết kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện đã và đang tham gia 19 FTA, với trên 60 đối tác FTA, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Chính điều đó góp phần quan trọng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới quan hệ đối tác của các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, thông qua đó tạo ra những cơ hội đối với nền sản xuất và thương mại trong nước, vừa nâng cao nội lực nền kinh tế, vừa tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.
Nhiều cơ hội thuận lợi để "cất cánh" năm 2025
Theo các chuyên gia kinh tế, với những nền tảng và vị thế đó, kinh tế Việt Nam năm 2025 có nhiều cơ hội thuận lợi để "cất cánh". Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm 2025 như: Giải ngân đầu tư công còn chậm và không đồng đều; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu. Bên cạnh đó, áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tận dụng lợi thế để tăng trưởng xuất khẩu
Bộ Công thương cho biết, năm 2025, ASEAN sẽ hoàn thành kế hoạch thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và tiếp tục thực hiện Kế hoạch chiến lược xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn 2026-2030, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN sẽ nỗ lực hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và thực hiện các thủ tục phê chuẩn trong nước để đưa Hiệp định đi vào hiệu lực.
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động; đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh.
Theo ông Phong, áp lực về tỷ giá, lạm phát và rủi ro về địa chính trị, rủi ro về thương mại…năm 2025 vẫn tồn tại và có khả năng còn tăng lên. Nền kinh tế có độ mở rất cao như nước ta sẽ bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, nước ta cần thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao nội lực, tăng cường thu hút đầu tư và xuất khẩu.
Đồng tình quan điểm này, ông Tùng cho rằng, Việt Nam cần có thêm các chính sách thu hút FDI chất lượng cao, tập trung thúc đẩy và kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghiệp xanh, công nghệ vật liệu mới.../.
Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7,0% cho năm 2025, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã kêu gọi đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% với sự hỗ trợ từ việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút thêm đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!