10 bước khắc phục cây xanh gãy đổ do mưa bão và trồng lại một cách hiệu quả

admin

Hướng dẫn chi tiết các bước để khắc phục và chăm sóc cây xanh hiệu quả, giúp cây nhanh chóng phục hồi và phát triển khỏe mạnh sau bão...

10 bước khắc phục cây xanh gãy đổ do mưa bão và trồng lại một cách hiệu quả

Nhiều cây xanh ở Hà Nội bật gốc sau cơn bão số 3. Ảnh: KTĐT

1. Đánh giá ban đầu và phân loại tình trạng cây

1.1. Kiểm tra tình trạng của cây

- Mức độ hư hại: Xác định xem cây bị hư hại ở mức độ nào, chỉ gãy cành nhỏ, gãy thân chính, hay bị bật gốc hoàn toàn. Đối với các cây có thân lớn, việc kiểm tra cần thận trọng hơn vì vết thương có thể tiềm ẩn bên trong.

- Tình trạng rễ cây: Nếu cây bị bật gốc, kiểm tra hệ rễ xem có bị đứt, dập hay thối không. Rễ khỏe mạnh thường có màu trắng ngà, chắc chắn và không có mùi hôi.

1.2. Xác định khả năng cứu chữa

- Nếu cây bị gãy cành nhưng thân chính và bộ rễ còn khỏe, cây có khả năng phục hồi cao.

- Nếu thân chính bị gãy ngang, xem xét độ tuổi của cây. Cây non có thể ra chồi mới từ phần gốc, nhưng cây già thường khó phục hồi.

- Nếu bộ rễ bị tổn thương nghiêm trọng (rễ chính bị đứt hoặc hỏng nhiều), nên cân nhắc thay thế bằng cây mới.

- Xác định loài cây và đánh giá tính thích nghi của cây đối với hệ sinh thái nơi trồng.

2. Xác định mức độ ưu tiên đối với cây cần khắc phục

2.1. Ưu tiên: Loài cây bản địa tại chỗ có tuổi dưới tuổi thành thục còn khả năng tái sinh tốt; Loài cây di thực đã được khảo nghiệm giống thích hợp với điều kiện sinh thái, sinh cảnh tại nơi trồng; Loài cây có phân bố sinh thái trùng với điều kiện sinh thái, sinh cảnh nơi trồng.

2.2. Hạn chế: Loài cây bản địa tại chỗ nhưng đã đến tuổi thành thục, chỉ giữ lại đối với cây di sản, cây cảnh quan nằm trong công trình di tích cảnh quan đặc biệt; Loài cây di thực chưa được khảo nghiệm giống trong điều kiện sinh thí, sinh cảnh nơi trồng; Loài cây nhập nội.

2.3. Loại bỏ: Cây đã thành thục ở tất cả các loài không đáp ứng được các yêu cầu bên trên; Cây ngoại lai xâm lấn đã được khuyến cáo của nhà nước hay các tổ chức bảo tồn quốc tế.

3. Chuẩn bị dụng cụ và vật liệu cần thiết

- Đối với cây đô thị thường có kích thước lớn do vậy việc thi công cơ giới là hết sức cần thiết, yêu cầu có máy múc, xe nâng, cưa xích…

- Dụng cụ cắt tỉa: Kéo cắt cành, cưa tay, dao sắc để cắt tỉa phần cây bị gãy.

- Vật liệu bảo vệ vết thương: Bằng các biện pháp kỹ thuật hiện có.

- Vật liệu hỗ trợ trồng lại: Cọc chống cây (gỗ hoặc sắt), dây buộc mềm (dây thừng, dây nilon), túi đất trồng, phân hữu cơ, và thuốc kích thích ra rễ (auxin như IBA hoặc NAA).

4. Xử lý cây bị gãy đổ

- Cắt tỉa và làm sạch vết thương

- Loại bỏ cành gãy và các phần cây bị hư hại. Sử dụng kéo cắt hoặc cưa cắt các cành bị gãy, cắt đến phần cành khỏe mạnh. Đối với vết cắt lớn, cần làm mịn bề mặt cắt để giảm bớt nguy cơ xâm nhập của nấm bệnh và vi khuẩn.

- Xử lý vết thương trên thân cây bằng các loại thuốc, biện pháp kỹ thuật hiện có.

5. Chuẩn bị hố trồng và cải tạo đất

5.1. Đánh giá điều kiện sinh thái nơi trồng: Cần lưu ý đến các điều kiện lập địa cơ bản đáp ứng với đặc điểm sinh thái của loài cây định trồng (phục hồi), nhất là loại đất, độ dày tầng đất, độ sâu mực nước ngầm.        

5.2. Đào hố trồng cây: Đào hố lớn hơn ít nhất 1,5 - 2 lần kích thước bầu rễ của cây; Thể tích hố trồng phải phù hợp đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng với đặc tính sinh thái của loài cây, khi cây thành thục thì phần đất trồng có đủ dinh dưỡng và thể tích cho bộ rễ của cây phát triển. Trong trường hợp không thể đáp ứng được yêu cầu trên thì cần có biện pháp thay thế bằng cây bản địa tại chỗ khác có công năng tương tự nhưng có nhu cầu về không gian sống thấp hơn hoặc phải thay đổi thiết kế cảnh quan do phần đất dành cho cây xanh đó chỉ đủ cho nhu cầu của loài cây khác.

5.5. Cải tạo đất: Trộn đất với phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục, phân trùn quế, phân xanh) để tăng độ màu mỡ. Đối với đất sét nặng, thêm cát hoặc mùn cưa để cải thiện khả năng thoát nước. Nếu đất quá chua hoặc kiềm, điều chỉnh pH bằng vôi bột hoặc lưu huỳnh.

6. Trồng lại cây

6.1. Trồng cây: Nên sử dụng biện pháp thi công cơ giới thích hợp với những cây lớn; Đặt cây vào vị trí phù hợp: Đảm bảo cây thẳng đứng và hệ rễ được xếp gọn trong hố. Điều chỉnh sao cho cây không bị nghiêng lệch, đặc biệt đối với các cây lớn cần sự ổn định cao; Gỡ bỏ toàn bộ phần túi bầu hoặc vật liệu bao bọc bộ rễ nếu có; Lấp đất: Đổ đất từ từ xung quanh bộ rễ, nhẹ nhàng nén chặt từng lớp để đảm bảo không còn khoảng trống xung quanh rễ, giúp cây đứng vững và rễ tiếp xúc tốt với đất.

6.2. Chống đỡ cây: Sử dụng cọc gỗ hoặc cọc kim loại cắm xung quanh cây (2 - 3 cọc là tối ưu), buộc dây từ cọc đến thân cây. Dùng dây buộc mềm để tránh làm tổn thương thân cây. Dây buộc cần có độ đàn hồi nhẹ để không làm cây bị xiết khi phát triển. Sử dụng đệm mềm (đàn hồi) tại điểm tiếp giáp giữa thiết bị chống đỡ với phần thân cây.

7. Tưới nước và bón phân

7.1. Tưới nước: Tưới đẫm nước ngay sau khi trồng lại, đặc biệt trong 2 - 4 tuần đầu. Sau đó, điều chỉnh lượng nước theo nhu cầu của cây và điều kiện thời tiết. Tránh tưới quá nhiều gây ngập úng. Tưới nhẹ quanh gốc, không tưới quá mạnh gây xói mòn đất hoặc làm tổn thương rễ mới.

7.2. Bón phân: Sau khi cây đã hồi phục ban đầu (khoảng 1 - 2 tuần), bón phân hữu cơ hoặc phân bón có thành phần cân đối N - P - K. Các loại phân bón tan chậm là lựa chọn tốt để cung cấp dinh dưỡng liên tục. Bón phân quanh khu vực rễ, cách gốc khoảng 20-30 cm để tránh gây cháy rễ. Nên sử dụng biện pháp bón ngầm để thu hút sự phát triển của rễ cây xuống bên dưới đảm bảo sự vững chắc cho cây chiống lại gió bão về sau.

8. Chăm sóc sau khi trồng lại

8.1. Kiểm tra định kỳ: Giám sát cây hàng tuần, kiểm tra cọc chống và dây buộc, điều chỉnh khi cần thiết để đảm bảo cây không bị nghiêng hoặc tổn thương. Phát hiện sớm sâu bệnh, thường xuyên kiểm tra lá, thân và rễ cây để phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh, nấm mốc. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hoặc hữu cơ để kiểm soát.

8.2. Bảo vệ cây khỏi điều kiện khắc nghiệt: Che chắn khi cần thiết. Sử dụng lưới che hoặc vải không dệt để bảo vệ cây khỏi nắng gắt hoặc gió lớn trong giai đoạn cây phục hồi.

8.3. Tạo lớp phủ: Phủ một lớp mùn xung quanh gốc cây để giữ độ ẩm, điều hòa nhiệt độ đất, và ngăn cỏ dại phát triển.

9. Đợi cây phục hồi và theo dõi sự phát triển

- Thời gian phục hồi: Tùy thuộc vào loài cây và mức độ tổn thương, thời gian phục hồi có thể từ vài tuần đến vài tháng. Trong thời gian này, cây sẽ phát triển rễ mới và bắt đầu đâm chồi, phát lá mới.

- Điều chỉnh chăm sóc: Nếu cây phát triển tốt, tiếp tục theo dõi và điều chỉnh lượng nước, phân bón phù hợp với nhu cầu của cây theo từng giai đoạn sinh trưởng.

- Thời gian theo dõi và chăm sóc là 3 - 5 năm sau khi trồng.

- Trong thời gian 2 năm đầu nếu cây có biểu hiện phục hồi hay sinh trưởng kém thì cần có biện pháp bổ sung hoặc thay cây mới.

10. Các biện pháp bổ sung

- Kích thích ra rễ: Sử dụng các chất kích thích ra rễ như axit indolebutyric (IBA) hoặc naphtylacetic acid (NAA) để hỗ trợ cây phát triển rễ mới nhanh hơn.

- Xử lý cây trồng bằng vi sinh vật có lợi: Sử dụng các chế phẩm vi sinh vật để tăng cường sức đề kháng cho cây, cải thiện sức khỏe của hệ rễ, và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng.

Hy vọng với các bước hướng dẫn chi tiết này giúp chúng ta khắc phục và chăm sóc cây xanh hiệu quả hơn, giúp cây nhanh chóng phục hồi và phát triển khỏe mạnh sau bão...